Nếu lo ngại hại bao tử hoặc ảnh hưởng hệ thần kinh do uống các loại thuốc chống say tàu xe, bạn có thể áp dụng các cách đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả dưới đây.
1. Ngủ đủ giấc, ăn vừa bụng trước khi khởi hành
Trước mỗi chuyến đi, đừng để bản thân lâm vào tình trạng thiếu ngủ hoặc đói bụng bởi sẽ rất dễ dẫn đến cảm giác nôn nao, cồn cào và đau đầu. Tuy nhiên bạn cũng không nên ăn quá no và lên xe ngay, hãy nghỉ ngơi một lúc cho “êm bụng rồi hãy lên xe. Ngoài ra, thức uống chứa cồn cũng là thứ nên tránh để không bị say xe.
2. Thở bằng khí trời, đeo khẩu trang
Khi trời không quá nóng bức thì bạn nên tắt điều hòa, mở cửa sổ để thở bằng khí trời tự nhiên. Nếu bắt buộc phải bật điều hòa mà không thể chịu được mùi điều hòa và nội thất xe thì nên đeo khẩu trang, lấy chế độ gió ngoài, chỉnh cửa gió sao cho không bị thốc thẳng vào đầu và cũng không ngồi trực tiếp dưới nắng.
3. Ngủ hoặc trò chuyện với mọi người xung quanh
Để hạn chế việc bị say xe, hãy đeo tai nghe, mở nhạc không lời và ngủ để quên đi mùi điều hòa khó chịu hay cảm giác nôn nao. Trường hợp không thể ngủ, bạn hãy trò chuyện với những người xung quanh, cách này cũng sẽ giúp bạn quên đi cảm giác đang ngồi trên xe.
Xem thêm: 5 bí quyết lái xe an toàn trên đường cao tốc
4. Không đọc sách báo
Nếu là người dễ bị say xe thì bạn đừng đọc bất cứ thứ gì khi ngồi trên xe, chỉ cần liếc qua vài dòng chữ là cũng đã đủ khiến bạn say xe ngay lập tức.
5. Tránh ngồi cạnh người cũng say xe
Ngồi cạnh những người say xe sẽ khiến bạn bị say xe theo “hiệu ứng”, đặc biệt là khi thấy họ bị nôn ọe. Do đó nếu có thể thì nên tránh ngồi cạnh những người dễ bi say xe giống bạn.
6. Ngồi ghế trước
“Xe đầu tàu cuối”, đây chính là kinh nghiệm chọn chỗ ngồi để không bị say xe. Tại vị trí ngồi này, tầm mắt của bạn sẽ được phóng xe hơn, ít xóc hơn, đồng thời bớt phải ngửi thấy mùi khói từ ống xả.
7. Ấn huyệt nội quan
Khi say xe, bạn có thể dùng ngón tay cái ấn vào huyệt nội quan nằm ở bên khớp cổ tay, trên vân ngang cổ tay, khoảng giữa ngón tay giữa và gân mu bàn tay. Đây là chiêu thường được các bác sĩ đông y áp dụng.
8. Gừng
Tác dụng của gừng là làm dịu dạ dày, cản bớt mùi xăng xe khó chịu và vì thế sẽ giúp bạn tránh được tình trạng bị say xe. Bạn chỉ cần nhai hoặc ngậm một lát gừng tươi trước và trong mỗi chuyến đi, cảm giác chóng mặt, buồn nôn sẽ không còn xuất hiện. Nếu không ngậm được gừng tươi thì có thể uống trà gừng khoảng một giờ trước khi lên xe.
9. Chanh, quýt
Chanh tươi và quýt không chỉ có mùi thơm dễ chịu, sảng khoái, giúp cản bớt mùi xăng xe, mà còn chứa các chất dinh dưỡng giúp thư giãn dạ dày, giảm buồn nôn và nôn mửa khi đi tàu xe. Bạn chỉ cần cắt 1-2 lát chanh, quýt mỏng đặt trong túi nhựa và mang theo trong chuyến đi hoặc bỏ chút vỏ canh, quýt vào khẩu trang và đeo lên mặt. Khi bắt đầu nhận thấy cảm giác say xe, hãy ăn một vài múi chanh, quýt.
10. Bánh quy
Khi bắt đầu thấy cảm giác nôn nao, việc ăn một vài chiếc bánh quy sẽ giúp giảm đi triệu chứng này. Nên chọn bánh quy loại giòn, khô để giảm lượng nước bọt trong miệng, ngăn chặn cảm giác buồn nôn. Không nên ăn bánh quy nướng, có vị cay, hành hoặc là tỏi vì sẽ khiến cho các triệu chứng say xe trở nên tồi tệ hơn.
11. Bánh mì
Bánh mì có tác dụng kích thích tuyến tụy tiết ra trypsin, kết hợp với axit amin trong bánh mì làm thư giãn thần kinh, giảm cảm giác say xe.